Để tiến xa hơn trên hành trình nâng cao chất lượng cà phê Việt, vườn cà phê và người nông dân luôn là trọng tâm mà chúng tôi quan tâm hàng đầu.
Đó là lý do những chuyển khảo sát vùng nguyên liệu thường được lên lịch từ rất sớm để chúng tôi có thể đảm bảo sự cân bằng giá trị kinh tế cho nông dân và cam kết chất lượng cà phê nhân xanh đến khách hàng.
Chuyến khảo sát vùng nguyên liệu của đội ngũ Hồ Phượng
Trong bài viết này, Hồ Phượng sẽ chia sẻ đến bạn những thực trạng và dự đoán về chất lượng và sản lượng 2 vùng nguyên liệu quanh khu vực Đà Lạt là: vùng lững đèo Prenn và vùng cao Đạ Sar.
VÙNG NGUYÊN LIỆU KHẢO SÁT GẦN ĐÀ LẠT
Tại khu vực quanh Đà Lạt, cà phê thường chín rộ vào các thời điểm khác nhau. Thông thường, ở vùng lững đèo Prenn sẽ chín sớm nhất, đến Đạ Sar và cuối cùng là Cầu Đất.
2 vùng nguyên liệu đã tiến hành khảo sát
Còn khoảng 3 tháng nữa, cà phê chân đèo Prenn mới bắt đầu chín rộ. Vậy tại thời điểm này, chúng tôi “thu hoạch” được những thông tin gì?
DỰ KIẾN VỀ SẢN LƯỢNG
Tại 2 vùng nguyên liệu ở chân đèo Prenn và Đạ Sar, chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều gốc cà phê sai quả, còn những cây mà năm trước không hề đậu quả cũng dần hồi phục trở lại.
Cà phê sai quả hơn năm trước
Một phần là do thời tiết năm nay khá thuận lợi, không có những đợt sương muối diễn ra thường xuyên, đã giúp cây sinh trưởng tốt và đậu quả dày hơn.
Ngoài ra, nhờ giá cà tươi năm trước khá cao, nên năm nay các hộ dân đã chăm bón nhiều hơn 2 năm trước: bón phân 3 lần, so với 2 năm trước chỉ bón 1 - 2 lần.
Tuy nhiên, diện tích canh tác vẫn tiếp tục giảm mạnh do giá đất khu vực xung quanh Đà Lạt tăng cao, hoặc người dân chuyển đổi canh tác cây ngắn ngày để quay vòng vốn nhanh hơn.
Do vậy, chúng tôi có thể tạm kết luận rằng mặc dù sản lượng của riêng từng vườn tăng, nhưng diện tích canh tác giảm mạnh. Dẫn đến, tổng sản lượng cà tươi giảm hoặc chỉ bằng mùa vụ trước.
Khi nguồn cung giảm, nhưng nhu cầu thu mua cà tươi vẫn giữ nguyên hoặc tăng, khả năng cao giá cà tăng 10% so với mùa vụ năm trước.
DỰ KIẾN VỀ CHẤT LƯỢNG
Nhờ thời tiết thuận lợi, cùng với việc được chăm sóc kỹ hơn so với 2 năm gần đây, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng chất lượng cà phê sẽ tốt hơn những năm trước.
Thậm chí, một số vườn cà phê ở Đạ Sar có độ cao trên 1.500m, lý tưởng để cho ra hạt cà phê Specialty cao cấp.
Chúng tôi sẽ khảo sát chất lượng khi cà phê bắt đầu chín
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, chúng tôi sẽ cần trở lại khi vườn bắt đầu chín, để đo độ đường và đề nghị thời điểm thu hoạch, cũng như các tiêu chuẩn trong quá trình hái cà tươi.
Bàn về một sự thật trong quá trình thu mua…
Nhìn chung, bức tranh tổng quan về vùng nguyên liệu có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với 2 năm gần đây. Khi người nông dân nhận được nhiều giá trị kinh tế hơn, họ sẽ sẵn sàng đầu tư trở mảnh đất của mình hơn.
Các doanh nghiệp chế biến cà phê như Hồ Phượng luôn mong muốn trả cho người nông dân giá trị cao nhất có thể. Và đi cùng với cái giá ấy, chúng tôi cũng muốn nhận lại quả cà tươi chất lượng, được hái chín 99 - 100%. Để rồi, thành quả cuối cùng là những sản phẩm cà Arabica cao cấp, có thể thử nếm trên 80 điểm, đạt chuẩn Specialty Coffee.
Song, có không ít trường hợp các doanh nghiệp phá vỡ cấu trúc ấy bằng cách thu mua hàng loạt, khuyến khích các nhà nông hái suốt…
Chúng tôi thấy tiếc thay cho những hạt cà phê Arabica vốn dĩ đã mang trong mình tiềm năng hương vị rất tốt, nhưng với phương pháp thu hoạch và chế biến như vậy sẽ không thể nào cho ra chất lượng cao được.
KẾT LUẬN
Với những thông tin dự kiến về sản lượng và chất lượng trên, mong rằng bạn đọc đã có thể hiểu hơn về tình hình cà phê Arabica tại vùng nguyên liệu quanh Đà Lạt.
Và chúng tôi cũng mong rằng sẽ nhận được sự chung tay ủng hộ của bạn với vai trò là đối tác, để duy trì và phát triển chất lượng cà phê Arabica Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung.